23/2/13

2











1



9/2/13

Thơ tết vui chúc vợ

Vợ ơi anh bảo vợ này
Xuân sang Tết đến anh say mất rồi
Say là say mắt vợ cười
Say là say cái duyên tươi mỗi lần
Trên đời bao thứ đẹp xinh
Nhưng mà anh cũng có cần chi đâu
Vì anh có vợ tình sâu
Vì anh có vợ đứng đầu đảm đang
Xuân về chúc vợ đẹp, sang
Mãi là ngọc nữ, bà hoàng nhà anh.
--- 
Mùa xuân đẹp nhất hoa đào
Trong nhà anh đẹp nhất bao đựng tiền
Chúc cho bao đẹp như tiên
Chúc cho bao lại đảm hiền như xưa
Thân anh đi nắng về mưa
Không bằng bao đứng đợi chờ thu ngân
Bao nhiêu khó nhọc, gian truân
Hôm nay Tết đến xin cứ phần cho anh
Mong bao vui vẻ, yên lành
Để anh lại kiếm tiền nhanh mang về.
--- 
Vợ anh đẹp nhất trên đời
Xuân về chúc vợ thảnh thơi, vui vầy
Khi nào anh nhậu anh say
Chúc cho vợ sẽ nương tay tức thì
Khi nào ví rỗng anh đi
Chúc cho vợ bớt chi ly nguýt lườm
Khi nào rủng rỉnh tiền lương
Chúc cho vợ sẽ ngọt thơm sẻ bùi
Vợ ơi Tết đã đến rồi
Chúc em xinh đẹp em thôi quản chồng.

Tỷ tê chúc vợ đôi lời
Xuân nay xinh đẹp lại xuôi đảm hiền
Shopping được ghé thường xuyên
Ăn ngon mặc đẹp ra đường người khen
Có chồng nhưng hãy còn duyên
Em cười một cái đắm thuyền các anh
Tiền nhiều rủng rỉnh cả năm
Ước gì được nấy muôn phần sướng vui
Chồng xin làm phận tớ tôi
Suốt đời vâng dạ vợ xuôi ý vàng
Trong ngoài lo liệu đàng hoàng
Chúc vợ năm mới giàu sang, mỹ miều
***************
Đầu năm anh chúc vợ yêu
Ngày xuân duyên dáng, mỹ miều, thướt tha
Môi cười, miệng nở như hoa
Em đừng nhăn nữa kẻo mà… khó coi.
Ngày xưa em đẹp tuyệt vời
Giờ em khó quá nên hơi bị “chằn”
Nói xa chẳng ngại nói gần
Năm này mong vợ bớt phần… ki bo
Chồng xin tiền, vợ phải cho
Giỏi chăm tụi nhỏ, giỏi lo việc nhà
Vợ đẹp là vợ người ta
Vợ anh “chằn” mấy vẫn là… vợ yêu.



Trong nhà ngoài ngõ sạch trơn
Nếu không có vợ lờm xờm khó coi
Vợ là tiên nữ của trời
Số anh may mắn được xơi lộc vàng
Đông qua xuân tới rộn ràng
Vợ xinh chúc lại đẹp ngang hoa đào
Giận hờn nhanh tựa mưa rào
Xin đừng rả rích anh ngao ngán lòng
Yêu vợ anh nhớ anh mong
Xin vợ đừng có lòng vòng khảo tra
Việc nhà anh có qua loa
Vợ yêu xin bớt kêu la, ĩ ầm
Tiền lương có cữ, có phần
Mong vợ đừng có lục trong, lục ngoài
Khi buồn anh có lai rai
Vợ yêu xin chớ kêu hoài khó nghe
Thương vợ anh chở anh che
Xưa nay vẫn thế đừng đe anh mà
Vợ ơi, vợ hỡi, vợ à
Xuân về chúc vợ bao la túi tiền!
------

Xuân sang biếc lộc trên cành
Anh xin chúc vợ trẻ xinh nhất nhà
Đi chợ bớt bánh, bớt quà
Nói năng ỏn ẻn, thơ ca suốt ngày
Bạc tiền chật ví, nặng tay
Bớt bài đay nghiến “cô này xinh không”
Dịu dàng giữa đám bạn đông
Đừng luồn tay véo anh gồng mình lên
Chúc em khỏe mạnh, hiền, duyên
Chúc em bớt tính xỏ xiên các chồng
Chúc em môi đỏ mặn nồng
Chứ đừng trợn mắt rồi phồng má lên
Chúc em bớt tính hay rên
Mỗi lần lương lậu không nguyên, không tròn
Chúc em vui vẻ, cười giòn
Để anh cũng bớt ăn đòn mỗi khi
Vợ ơi xuân đến đông đi
Thôi thì chúc vợ mơ gì cũng hên!

30/1/13

Lý do Trung Quốc cấm du khách 6 nước đến Tây Tạng


"Tại sao Tây Tạng? " Bài viết lật tẩy lý do Trung Quốc cấm du khách 6 nước đến Tây Tạng



Ngày 31.7.2012 đăng tin chính quyền Trung Quốc cấm du khách 6 nước: Anh, Na Uy, Áo, Hàn Quốc, Philippines và Việt Nam đến Tây Tạng mà không cho biết lý do vì sao đưa ra lệnh cấm này.

Câu hỏi được đặt ra là, trên thế giới có hàng trăm quốc gia và vùng lãnh thổ, nhưng vì sao chỉ có 6 nước nêu trên bị cấm, và cấm đến Tây Tạng chứ không một vùng đất nào khác trên lãnh thổ rộng mênh mông của Trung Quốc?


Tây Tạng là một vùng đất “nhạy cảm” xét về lịch sử trong quá khứ và cả những gì diễn ra hiện nay. Trung Quốc thế kỷ 21 có khá nhiều “vùng nhạy cảm” chứ không riêng gì Tây Tạng. Tân Cương với thủ phủ Urumqui là một ví dụ. Những cuộc đụng độ sắc tộc nảy lửa diễn ra giữa cư dân bản xứ theo đạo Hồi với người Hán ở Urumqui trước đây cũng khiến cho chính quyền Trung Quốc ra quyết định cấm du khách bén mảng đến vùng đất này, nhất là nhà báo. Tôi chưa có dịp đến Tân Cương, nhưng Tây Tạng thì có. Bất kể du khách vào Tây Tạng bằng đường nào cũng đều phải có giấy phép đặc biệt do cơ quan chuyên trách ở Bắc Kinh cấp. Nếu một người ngoại quốc vào được Tây Tạng mà chưa có giấy phép, khi bị phát hiện sẽ gặp rắc rối to, thậm chí bị coi là gián điệp. Tây Tạng vốn là vùng đất Phật mà nay ra nông nỗi như vậy há phải có nguyên nhân? 

Phật tử Tây Tạng cầu nguyện



Ngày 25.7.2012, TS Mai Hồng - nguyên Trưởng phòng Tư liệu thuộc Viện Hán Nôm đã tặng cho Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam tấm bản đồ Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ xuất bản ở Thượng Hải năm 1904 và tái bản 1910 dưới triều đại nhà Thanh. Tấm bản đồ ấy chỉ rõ: cực nam đất nước Trung Hoa thời bấy giờ là Nhai Châu, một địa danh thuộc đảo Hải Nam, không có Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông. Thế rồi một ngày nọ, Trung Quốc trưng ra tấm bản đồ lạ hoắc có 9 đoạn bao gần hết biển Đông, còn gọi là đường lưỡi bò, “liếm” luôn 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Chuyện chưa dừng lại ở đó. Căn cứ vào những tấm bản đồ địa chính trị xuất bản vào đời nhà Thanh đầu thế kỷ 20 ở Trung Hoa, Tây Tạng với thủ phủ Lhasa vẫn còn là một quốc gia độc lập.

Nỗi đau Lhasa 


Ngày 22.2.1940, cậu bé 5 tuổi tên Tenzin Gyatso xuất thân trong một gia đình nông dân miền bắc Tây Tạng - hóa thân của Đạt Lai Lạt Ma thứ 13, đã được tôn lên ngôi Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 trong một nghi thức trang trọng ngay tại thánh địa Lhasa. Tây Tạng lúc ấy chịu ảnh hưởng của đế quốc Anh, đang thâu tóm một vùng rộng lớn bao gồm cả Ấn Độ, Nepal, Butan và Miến Điện (Myanmar) - những quốc gia sát nách Tây Tạng. Năm 1947, Ấn Độ tuyên bố độc lập, thoát khỏi ách thống trị của đế quốc Anh. Kể từ đây, người Anh mất dần ảnh hưởng ở Tây Tạng. Thời điểm này cũng bước vào giai đoạn cuối của cuộc nội chiến Trung Hoa giữa Mao Trạch Đông và Tưởng Giới Thạch. Năm 1949, Mao Trạch Đông giải phóng Trung Hoa lục địa, đuổi Quốc dân đảng và Tưởng Giới Thạch ra đảo Đài Loan cho đến tận ngày nay. Theo quan điểm của chính quyền Trung Quốc hiện nay, Đài Loan là “vùng đất không thể tách rời” đối với Trung Hoa lục địa. Theo lịch sử địa chính trị thì Đài Loan thuộc Trung Hoa từ thời xa xưa, vấn đề ở chỗ “sáp nhập” theo cách nào mà thôi. Thế còn Tây Tạng?

Tháng 10.1950 tức là chỉ mới 1 năm sau khi giải phóng Trung Hoa lục địa, 80.000 binh lính Trung Quốc bắt đầu tràn qua và chỉ đúng 1 năm sau, tháng 10.1951, Mao Trạch Đông đã kiểm soát thủ phủ Lhasa - trái tim của Tây Tạng. Trước tình cảnh đó, Đức Đạt Lai Lạt Ma 14 vẫn theo đuổi chính sách biến Tây Tạng thành vùng đất trung lập nhưng có vẻ khó thành hiện thực. Năm 1954, Đạt Lai Lạt Ma thân chinh đến Bắc Kinh để diện kiến lãnh tụ Trung Quốc Mao Trạch Đông. Ngài lưu trú ở Bắc Kinh cả tháng trời để tìm kiếm một nền hòa bình lâu dài cho vùng đất Tây Tạng thời hiện đại vốn xa lạ với chuyện binh đao, giết chóc.

Chuyến đi ấy của vị lãnh tụ tinh thần Tây Tạng chẳng hứa hẹn điều gì sáng sủa cho số phận của vùng cao nguyên lạnh giá. Đạt Lai Lạt Ma về đến Tây Tạng với tâm trạng nặng trĩu, bất an vì lúc này người ta có thể ngửi thấy “mùi chiến tranh” phảng phất khắp thủ phủ Lhasa. Và chuyện gì đến cũng đã đến. Tháng 3.1959, binh lính Trung Quốc với số đông áp đảo đã đồng loạt nổ súng và làm chủ hoàn toàn Lhasa trước sự kháng cự yếu ớt của binh sĩ “nghiệp dư” Tây Tạng. Trước khi chiến sự nổ ra, Đạt Lai Lạt Ma 14 đã kịp cải trang và cùng đoàn tùy tùng rời khỏi Lhasa. Sau nửa tháng di chuyển bằng đường bộ băng qua dãy Hy Mã Lạp Sơn, ngài đến Dharamsala, vùng đông - bắc Ấn Độ sống lưu vong cho đến ngày nay. Có người gọi Dharamsala là “Little Lhasa”.


Đoàn Xuân hải

Thờ Cúng Trong Kim Cang Thừa


Sonam Jorphel Rinpoche  

“Hãy thực hành, đừng thờ phụng suông.”

Trước hết, nói về phòng tu tập. Nên có một phòng riêng, ở phía trên. Không nên để bàn thờ ở phía dưới, nơi có phòng sinh hoạt ở trên.

Bàn thờ nên có 2 tầng:

- Tầng trên để đặt tất cả đối tượng của thờ cúng: tượng Phật, Thangka, kinh sách, tháp bảo v. v.

- Tầng dưới để tất cả các vật cúng dường. Cần lưu ý: không nên dùng các câu minh chú để làm vật trang trí, in vào chén bát, ghế ngồi… Khăn, áo, vật dụng cá nhân có chữ của câu chú thì có thể chấp nhận được nhưng phải lưu tâm, không được để xuống đất hay chỗ dơ bẩn.

Cách sắp xếp bàn thờ chuẩn theo truyền thống Tây tạng là:

- Tượng, tranh của các vị đại Đạo sư của dòng truyền thừa, của Guru ở khu vực trung tâm của bàn thờ (Thân). Theo truyền thống Mật thừa, Guru bao giờ cũng là quan trọng nhất.

Tiếp đến là tượng tranh của chư Phật, chư Bổn Tôn (Thân).

- Bên phải tượng, tranh là các tập sách, các bản kinh (Khẩu).
- Bên trái là tháp bảo (Ý). Nếu có thể đặt xá lợi vào trong tượng thì nên đặt ở phần đầu của tượng.

Có nhiều cách để cúng dường. Có thể sắp đặt 8 món cúng dường, trong đó các phẩm vật cúng dường càng quý giá càng tốt, nhưng nếu không có điều kiện thì cúng nước cũng tốt. Tất cả các chén bát đựng đồ cúng dường phải sạch sẽ, không vỡ, không có nguồn gốc phi pháp. Phải trong sạch cả về tinh thần và hình thức. Nếu đồ cúng dường bị sứt mẻ phải đổi ngay lập tức.

Nước cúng: cúng càng nhiều càng tốt, tuy nhiên theo truyền thống Tây Tạng thì nên cúng 5 hoặc 7 chén nước. Trước khi cúng, lấy khăn sạch lau sạch, khô các chén. Khi rót nước cúng, phải để ý không để chén không trên bàn thờ. Có 2 lý do phải làm như vậy: Thứ nhất, ngạ quỷ có thể vào cư trú các chén rỗng để ngửa. Thứ hai, để các chén rỗng trên bàn thờ là không có dấu hiệu cát tường, vì dấu hiệu cát tường bao giờ cũng là viên mãn, tràn đầy. Trạng thái rỗng không là trạng thái nghèo nàn. Rót đầy từng chén, để lên bàn thờ rồi tiếp tục chén tiếp theo. Hoặc rót một chén có nước, từ chén đó đổ qua các chén khác, mỗi chén vài giọt nước là được. Đặt các chén nước lên bàn thờ, sau đó rót thêm cho đầy. Đặt các chén thẳng hàng, không nghiêng ngả, cách đều nhau. Khoảng cách giữa các chén phụ thuộc chén to hay nhỏ. Nước cúng phải lấy từ vòi ra rồi cúng luôn, không dùng nước đun chín. Khi rót nước phải tập trung & thành kính, không được rơi rớt nước ra ngoài. Không rót quá đầy, cũng không quá vơi. Vừa rót nước, vừa trì chú OM AH HUNG.

Kim Cang Trì

Dìu Kim Cang và dao Kim Cang

Tụng chú RAM YAM KHAM trong lúc thanh tịnh hóa các phẩm vật cúng dường: Đốt hương (nhang) huơ lên: thanh tịnh bằng lửa.

Dùng quạt phẩy nhẹ: thanh tịnh bằng gió.

Dùng chân hương (chân nhang) nhúng vào ly nước, vẩy nhẹ vài cái: thanh tịnh bằng nước.

Chú ý: khi sắp đặt các vật cúng dường, nên đeo khẩu trang để tránh vô tình thưởng thức hương thơm cũng như tránh làm dơ bẩn các phẩm vật.

Thay nước trước mỗi thời công phu hoặc thay nước vào cuối ngày, trước khi mặt trời lặn, không được thay nước vào buổi tối. Nếu lỡ quên thì để sang sáng hôm sau, trước thời công phu mới thay nước. Nếu thay nước vào lúc mặt trời lặn trời tối, ngạ quỷ hoặc các chúng sinh yếu bóng vía khi nhìn thấy bình nước sẽ tưởng là bình máu. Làm như vậy là mình đã tạo nghiệp vì làm họ sợ.

Nước đã cúng nên đổ vào một cái bình và úp chén xuống. Sau đó đổ nước đi vào nơi sạch sẽ (tưới cây) chứ không được đổ ở nơi đường xá, nơi dơ bẩn, nơi có người bước chân lên.

Lưu ý: Không nên uống nước sau khi cúng cũng như không nên dùng các phẩm vật đã cúng dường. Lý do thứ nhất là vì khi cúng chúng ta đã dâng các vật phẩm đó lên chư Phật, chư Bồ tát, và chúng đã thuộc về Tam bảo. Nếu chúng ta thọ dụng, có nghĩa là chúng ta dùng của Tam bảo, thì sẽ tạo nghiệp. Sự vi phạm này tuy không nặng nhưng vẫn nên tránh. Lý do thứ hai là nếu chúng ta giữ thói quen dùng các vật phẩm cúng dường thì khi mua vật phẩm cúng ta thường có xu hướng suy tính tới việc sẽ dùng các vật phẩm đó sau khi cúng. Điều đó làm cho tâm ta bị ô nhiễm và việc cúng dường sẽ vì thế mà giảm phước đức. (Cũng vì lý do đó mà Rinpoche khuyên chúng ta không nên thưởng thức các vật phẩm cúng dường trước khi bày lên bàn thờ; ví dụ như một động tác nhỏ là ngửi và khen hoa cúng thơm, đẹp cũng nên tránh). Các vị tăng cũng cần rất cẩn trọng khi nhận lễ lạy, cúng dường của Phật tử. Những gì thuộc về chùa chiền, Tam Bảo cũng không được động đến nếu không được phép. Nếu quý thầy chia cho thì mình có thể được thọ hưởng vì đó là phước nhưng cũng chỉ nên dùng một cách khiêm tốn. Đặc biệt chú ý những gì thuộc về các vị Đạo sư tôn quý, các bậc chứng ngộ thì càng tuyệt đối không được tự tiện động tới vì sẽ tạo nghiệp rất nghiêm trọng.
Nên phân biệt cúng dường hàng ngày & lễ cúng Tsok. Các đồ của lễ cúng Tsok sau khi làm lễ nếu chúng ta không dùng thì sẽ là sai phạm. Tuy nhiên, cũng chỉ được dùng một ít và cũng không được mang về để chia phần cho người thân, bạn bè. Cúng dường hàng ngày không nên cúng nhiều.

Không được cúng ngạ quỷ và chúng sinh khác ở trong nhà. Chỉ có thể cúng ở ngoài trời, ngoài đường. Và nếu như không biết cúng thì họ cũng không thể nhận được. Do đó, không nên làm khi chưa được học.

Phải rất cẩn thận khi cúng dường. Với hoa cúng, chúng ta không nên ngắm, ngửi, khen đẹp…

Không nên thưởng thức các đồ cúng dường vì như vậy là làm ô nhiễm đồ cúng. Khi mua đồ cúng, cũng không nên có tâm lý tiếc rẻ vì trót mua đắt, khen chê đắt rẻ vì cúng dường với tâm như vậy sẽ làm giảm phước đức.

Trong các chén cúng dường cũng không được để lẫn lộn các phẩm vật với nhau. Ví dụ: một vài hạt gạo rơi vào chén nước, 1 vài cánh hoa, tàn nhang rớt sang chén gạo… Ta gọi đó là “cúng mù” (blind offering). Hãy nhớ chăm chút, cẩn trọng trong việc cúng cũng phải làm như (nếu không hơn) trong sinh hoạt hàng ngày. Khi người ta đưa cho mình chén trà có vài miếng thịt, trong rượu rớt vài cọng trà thì mình có thích không ? Trong cuộc sống mình cẩn thận như vậy thì tại sao mình lại còn làm thế khi cúng dường ? Chúng ta thường sống một cuộc sống đầy đủ, xa hoa, sạch sẽ và đôi khi là quá cầu kỳ. Vậy tại sao không đơn giản hơn trong cuộc sống và cẩn thận hơn trong việc thờ cúng ? Những nề nếp này tuy khó luyện tập nhưng rất cần thiết nếu ta muốn có được sự cúng dường hoàn hảo về cả thân, khẩu, ý. Chúng ta cúng dường với cái tâm như thế nào vẫn là điều quan trọng nhất. Tâm cúng dường quyết định công đức của người cúng dường và việc cúng dường có tác dụng chuyển hóa tâm rất lớn nếu được làm đúng cách.

Cúng Mandala tại lễ quán đảnh Dược Sư tại Việt Nam

Tám món cúng dường cần sắp xếp theo đúng thứ tự từ trái sang phải, bao gồm:
- Nước: để uống
- Nước: để rửa chân
- Hoa: trang trí cho đầu
- Trầm hương: hương (cho mũi)
- Đèn bơ: sắc (cho mắt)
- Nước thơm: ý (cho tim)
- Thực phẩm: vị (cho miệng)
- Nhã nhạc: thanh (cho tai)

Pháp loa

Trống

Phần nhã nhạc có thể để dưới dạng các hình thức tượng trưng: Chuông, pháp loa bằng ốc, đàn ghi ta, nốt nhạc…


Lưu ý:
Các ngày sau đây là những ngày quan trọng trong năm, cần cúng & cần tu tập vì những ngày đó công đức được tăng trưởng lên một triệu lần (theo lịch Tây Tạng):

1- Tháng đầu tiên: ngày mồng một cho đến ngày 15 của tháng là 15 ngày Đức Phật phô diễn thần thông. Đây là những ngày cần cúng để Phật tử phát triển tín tâm và tăng trưởng công đức. Ngày 15 là ngày quan trọng nhất.
2- Tháng thứ tư - tháng của đức Phật Sakyamuni: Ngày 15/04 có ba sự kiện trùng nhau: Phật đản sinh, Phật thành đạo và Phật nhập Niết bàn.
3- Tháng thứ 6, ngày thứ 4: Đức Phật chuyển Pháp luân lần đầu tiên tại vườn Lộc Uyển.
4- Tháng thứ 9, ngày 22: Đức Phật từ cõi trời Indra (Đế Thích - xin xem giải thích ở phần trên) xuống trấn sau ba tháng thuyết pháp cho mẹ. Sau khi sinh đức Phật ra đời được một tuần thì mẹ Ngài mất và bà được lên cõi trời Đế thích. Đức Phật lên cõi trời Indra thuyết pháp cho mẹ trong ba tháng giúp cho bà đạt được chứng ngộ. Ngày 22/9 là ngày đức Phật xuống trần. Đây là ngày rất quan trọng, công đức tăng trưởng rất lớn, do đó chúng ta nên tinh tấn tu tập cả tháng 9, nếu không thì cũng phải tu tập chăm chỉ vào ngày 22/9.
5- Các ngày 8, 10, 15, 25, 30 của mỗi tháng cũng là những ngày công đức tu tập được tăng trưởng nhiều lần:

- Ngày 08: ngày vía Phật Dược sư.
- Ngày 10 : ngày vía Guru Rinponche (đức Liên Hoa Sinh)
- Ngày 15: ngày vía Phật A Di Đà.
- Ngày 25: ngày vía Dakini.
- Ngày 30: ngày của Đức Phật Sakyamuni.

Về các ngày thiêng trong năm Mật giáo có truyền thống rất phong phú và được duy trì không gián đoạn. Mỗi dòng truyền thừa có hàng trăm, hàng ngàn vị đại đạo sư (các ngài chính là các bậc Bồ Tát). Do đó có rất nhiều ngày đặc biệt liên quan đến ngày các ngài sinh, các ngài nhập Niết bàn. Hầu như tất cả các ngày đều có liên kết đến một sự kiện đặc biệt nào đó. Chính vì vậy các vị thầy của chúng ta ngày nào cũng phải tu. Chúng ta nếu cũng thực hiện tu tập đều đặn được như vậy thì rất tốt. Nếu không thì cũng phải tu tập vào những ngày quan trọng là những ngày liên quan đến đức Phật và những ngày đã kể ở trên vì những ngày đó công đức tăng lên hàng trăm, hàng triệu lần.

Phật pháp không biết đến sự phân biệt dòng phái; có sự phân biệt là do tâm con người mà thôi. Tất cả mọi hành trì đúng cách đều nhận được sự gia trì như nhau. Khi chúng ta quán tưởng, người truyền lực gia trì là Bổn sư (Root Guru). Thực chất năng lực gia trì mà Guru truyền xuống là hiệp hội của lực gia trì, gia hộ của tất cả chư Phật, chư Bồ Tát, chư Tổ sư, chư vị Đại đạo sư của tất cả các dòng truyền thừa của Kim cương thừa. Do đó năng lượng nhận được là tổng hợp của tất cả; không nên sinh tâm phân biệt giữa các dòng truyền thừa. Khi chúng ta tụng chú, chúng ta thường cầu nguyện “Chư Phật mười phương, chư Bồ Tát mười phương gia trì, gia hộ” và sự thật đúng là như vậy. Vị Bổn sư của mình giống như một thấu kính hội tụ, Ngài quy tụ tất cả năng lượng của vô số chư Phật, chư Bồ Tát, chư đạo sư của các dòng truyền thừa từ vô thủy đến nay. Chính vì vậy Kim cương thừa mới có sự thống nhất, không có sự phân biệt. Sự phân biệt là do tâm đệ tử, còn đối với các bậc Đạo sư thì - không bao giờ có sự phân biệt. Khi đệ tử có lòng tin mãnh liệt vào Guru rồi thì có nghĩa là người đó kết nối được với tất cả các dòng truyền thừa của Mật giáo.

Chúng ta cúng dường ba thời, mười phương chư Phật thì công đức có được ấy so với cúng dường Bổn sư cũng chỉ như một lỗ chân lông so với toàn bộ cơ thể mà thôi. Vì vậy, trong pháp tu Ngondro có pháp Bổn sư Du Già rất quan trọng.

“Trí tuệ phân biệt, biết đâu là việc tốt nên làm, đâu là việc xấu nên bỏ. Đấy chính là Phật.”

Có thể nói rằng trong vòng 10 năm qua, thầy đã đi hoằng Pháp ở khắp nơi trên thế giới, và Pháp bảo mà thầy đã quảng bá trong suốt khoảng thời gian thầy đi hoằng Pháp, tựu chung chỉ có tuyển tập Ba Mươi Bảy Pháp Hành Bồ Tát Đạo này mà thôi. Thầy đã thọ nhận giáo lý về Ba Mươi Bảy Pháp Hành Bồ Tát Đạo từ Bổn Sư của thầy, và đây là tất cả những gì mà thầy đã nương vào để [làm cái gốc cho việc] tu học. Ngoài những giáo lý này thì thật ra thầy đã chẳng học được gì nhiều cho lắm. 

Trong Phật Giáo, có những truyền thống tu tập khác nhau, những pháp môn hành trì khác nhau nhưng tựu chung thì tinh tuý của tất cả các giáo lý của Đức Phật chỉ đơn thuần có một mà thôi. Tất cả tinh túy của các Giáo Pháp mà Đức Phật đã giảng dạy cho chúng ta [mà chúng ta nhận được] từ các dòng truyền thừa khác nhau, thực sự chỉ tóm gọn trong hai chân lý. Hai chân lý ấy là [tinh tuý của] tất cả những gì mà Đức Phật đã tuyên thuyết. Đức Phật đã thuyết tất cả 130 pho Kinh, nhưng thực sự những gì được thuyết trong toàn bộ kinh điển cũng không nằm ngoài hai chân lý ấy [chân đế và tục đế.

Đạo Phật cho chúng ta cơ hội được tu tập theo những dòng truyền thừa và những pháp môn khác nhau. Tất cả những truyền thống tu tập này được phát triển là bởi vì chúng ta có những nhu cầu khác nhau. Ở trong thế giới này cũng thế, chẳng hạn khi chúng ta nói về thức ăn, thì chúng ta có cơm gạo, có rau trái. Cơm gạo hay rau trái ở đất nước nào cũng giống nhau nhưng chúng ta lại có những phương thức khác nhau để chuẩn bị hay nấu nướng. Cũng giống như khi chúng ta nói đến những phương pháp tiếp cận khác nhau trong Phật giáo, ai thích hợp với pháp tu nào thì tu theo pháp nấy.

Trong Kim Cang Thừa, chúng ta có tất cả bốn dòng truyền thừa chính, gồm có: Sakya, Nyingma, Gelug và Kagyu. Bốn dòng truyền thừa này đều có những pháp tu khác nhau, những phương thức tiếp cận khác nhau. Trên thực tế, cho dù chúng ta thọ nhận giáo Pháp từ một bậc đạo sư, một lama hay một guru nào đi chăng nữa, thì tựu chung, tất cả chỉ có một con đường, một cái đích tối hậu, và chỉ có một điều duy nhất mà chúng ta cần phải đạt được. Con đường đó, cái đích đó, điều cần đạt đến đó chính là trí tuệ, là một trong sáu pháp Toàn thiện Siêu việt (Lục độ Ba la mật).

Vậy làm sao để có thể đạt được tuệ giác hay trí tuệ bát nhã ấy ? Có những người hành trì theo pháp Đại Thủ Ấn Mahamudra, có những người tu tập theo pháp Đại Viên Mãn Dzogchen, lại có những người tu tập theo pháp Trung Quán Madhyamika. Nhưng cuối cùng, cho dù theo pháp tu nào đi chăng nữa thì điều quan trọng nhất vẫn là làm sao để trực nhận ra được bản tâm. Giống như Đức Phật đã giảng dạy cho chúng ta, chúng ta cần phải hoàn toàn nhiếp phục được tâm của mình.

Bây giờ, thầy sẽ chia sẻ đôi lời khai thị về những giai đoạn tu tập (để nhiếp phục tâm), là những giai đoạn tu tập đã được đề ra trong Ba Mươi Bảy Pháp Hành Bồ Tát Đạo.

Trong phần đầu của tuyển tập Ba Mươi Bảy Pháp Hành Bồ Tát Đạo, chúng ta tụng câu “Con xin chí tâm đảnh lễ vị Đạo sư vô thượng và Thủ hộ chủ Quán Tự Tại (Quán Thế Âm), trong khi quán chiếu sự bất lai, bất khứ (không đến, không đi) của vạn Pháp...” thì ở đây, câu này đang nói đến chân lý tuyệt đối. Khi Đức Phật trực chứng bản tâm thì ngay đó, ngài đã thấu tột được tất cả mọi hiện tượng trong cả hai cõi ta bà cũng như niết bàn. Khi an trú trong chân tánh, ta sẽ nhận thức ra được rằng không có gì đến mà cũng chẳng có gì đi.

Tánh thật của các hiện tượng, tánh ấy hoàn toàn không trụ vào đâu cả, tựa như hư không. Khi ta trực chứng được điều này, như Đức Phật đã chứng ngộ, thì chính điều ấy sẽ che chở được cho chúng ta, giống như đức Chenrezig có thể che chở cho ta vậy. Nhưng cũng có vô lượng vô số chúng sinh chưa trực chứng được bản tâm. Và bất kỳ chúng sinh nào chưa trực nhận ra được bản tâm thì chúng sinh ấy sẽ phải trải qua những đau khổ rất lớn lao.

Tiếp theo, trong chánh văn có nói rằng, vì muốn đem lại lợi lạc cho chúng sinh mà các giáo lý sau đây đã được giảng dạy. Đầu tiên, chúng ta cần phải khẩn nguyện Đức Phật toàn giác, khẩn nguyện Tam Bảo. Từ sự chứng ngộ con đường tối thượng, Đức Phật đã truyền bá giáo pháp. Và cuối cùng, noi theo những pháp tu [mà Đức Phật truyền dạy], tăng đoàn đã phát triển. Tóm lại, ở đoạn đầu có ý nói rằng, sự thành tựu đến từ chính sự thấu hiểu các pháp hành đạo, và bây giờ, ngài Ngulchu Thogme Zangpo sẽ giảng dạy về các pháp tu ấy cho chúng ta nghe. Ở đây, những giáo lý được giảng dạy là để dành cho những chúng sinh nào chưa trực chứng được bản tâm. Còn đối với những ai đã kiến tánh, đã trực chứng được chân tâm thì họ không còn đau khổ [do họ nhận ra được bản chất huyễn ảo của các đau khổ mà họ trải nghiệm.

Giáo Pháp mà Đức Phật giảng dạy cho chúng ta chính là cội nguồn đem đến lợi lạc và hạnh phúc cho chúng ta trong đời này cũng như đời sau. Ở đây, chúng ta đang nói đến những lợi lạc và hạnh phúc tạm thời. Điều này có nghĩa là, nhờ chúng ta hiểu được giáo lý, chúng ta sẽ tích lũy được nhiều lợi lạc nhất thời, chẳng hạn như là chúng ta sẽ được sinh vào những cõi cao. Chúng ta gặt hái được điều này là bởi vì chúng ta đã thấu hiểu về sự vận hành của nhân quả. Khi hiểu được về sự vận hành của nhân quả thì chúng ta cũng hiểu được đâu là nguyên nhân đưa đến đau khổ, chúng ta sẽ thực tập buông bỏ những nguyên nhân đó, và nhờ vậy mà chúng ta sẽ không phải trả quả báo đau khổ trong tương lai. Không những thế, [khi hiểu được về sự vận hành của nhân quả, chúng ta sẽ có thể chấp nhận được đau khổ trong khi chúng ta đang phải trả nghiệp. Đây chính là chân lý tương đối, gọi là tục đế, là sự thấu hiểu về nhân quả.

Cuối cùng, nương vào hiểu biết đó mà ta biết làm cách nào để rời xa những nguyên nhân đưa đến đau khổ. Những nguyên nhân đó, thật ra, chính là các xúc cảm ô nhiễm trong chúng ta. Khi có thể buông bỏ được tâm ô nhiễm thì chúng ta sẽ không còn phải bị đọa vào trong ba cõi thấp và sẽ không còn phải khổ đau. Chúng ta sẽ tiếp tục tiến tu trên con đường đạo. Con đường ấy chính là con đường phát khởi lòng từ bi và tâm Bồ Đề. Đó chính là Giáo Pháp.

Nếu chúng ta không tu tập theo Giáo Pháp một cách đúng đắn, hoặc giả nếu chúng ta làm bộ tu tập mà thật ra là chúng ta lại đang tạo ra nhiều phiền não, tạo ra nhiều vấn đề, lại phát khởi nhiều sân hận, thì phải hiểu rằng chính việc tu tập đó sẽ trở thành nguyên nhân để đọa chúng ta vào ba cõi thấp. Tại sao? Bởi vì con đường tu tập đích thực, Giáo Pháp đích thực, là lòng từ, là tâm bi, là tình yêu thương, cùng là sự buông bỏ tất cả những xúc cảm ô nhiễm. Và do đó mà Ba Mươi Bảy Pháp Hành Bồ Tát Đạo đã chỉ ra cho ta phương thức để đạt được giải thoát, để buông bỏ tất cả những xúc cảm đắm nhiễm tiêu cực.

Khởi đầu, trong tuyển tập Ba Mươi Bảy Pháp Hành Bồ Tát Đạo đã giảng dạy cho chúng ta về những pháp tu sơ khởi. Những pháp tu sơ khởi này bao gồm bốn niệm chuyển tâm hướng về Pháp, gồm có: (1) thân người hiếm quý, (2) cuộc đời vô thường, (3) nhân quả, và (4) những khổ đau trong luân hồi. Chúng ta cần phải hiểu một cách rốt ráo rằng bốn niệm chuyển tâm này chính là nguyên tắc, là nền tảng cho việc tu tập của chúng ta. Nếu chúng ta không thấu hiểu bốn tư tưởng chuyển tâm hướng về Pháp, không hiểu về sự khó khăn để có được thân người, không hiểu về cái chết, không hiểu về vô thường, không hiểu về luật nhân quả và không hiểu về sự đau khổ của cõi luân hồi, thì chúng ta sẽ không có thể nào hiểu được đâu là nền tảng để có thể trưởng dưỡng tâm Bồ Đề. Bốn tư tưởng chuyển tâm này chính là phương tiện thiện xảo để cho tâm Bồ Đề có thể phát khởi nơi nào chưa phát khởi. 

Bây giờ, nhờ có được thân người hiếm quý mà chúng ta có cơ hội để thực hành Phật Pháp, có cơ hội để phát khởi Bồ Đề tâm, có cơ hội để nương tựa vào Phật, Pháp, Tăng. Đây là tất cả những nhân tố có thể giúp chúng ta đạt đến được giác ngộ, cho dù là đạt được trong kiếp này hay đạt được trong những kiếp vị lai. Đây chính là căn nguyên đưa ta đến giác ngộ.

Do đó, trước nhất, chúng ta cần phải hiểu rõ rằng, thật khó khăn xiết bao để có được thân người, được làm người trong kiếp này [và vì thế, phải nỗ lực chuyên tâm sử dụng cơ hội hiếm quý này để tu tập]. Nếu chúng ta không thấu hiểu được điều này thì chúng ta [sẽ đánh mất cơ hội tu tập], sẽ khó lòng từ bỏ được sự tham luyến đối với cuộc đời này. 

Ở đây có liên quan đến câu kệ thứ nhì trong Ba Mươi Bảy Pháp Hành Bồ Tát Đạo. Câu ấy dạy cho chúng ta biết buông bỏ tham luyến và bám chấp, buông bỏ oán ghét và sân hận. Nếu chúng ta chỉ biết quan tâm đến cuộc đời này thôi thì chúng ta làm sao còn có thể để tâm ngó ngàng gì được đến kiếp sau và những kiếp sau đó nữa. Do đó, câu kệ thứ nhất và thứ nhì dạy cho chúng ta hiểu về sự hy hữu vô cùng để có được kiếp người, và chính vì vậy mà ta buộc phải buông bỏ hết tất cả những vọng niệm liên quan đến tham ái và oán ghét. Trong khi chúng ta tư duy, quán chiếu về mười tám điều kiện tự do và hoàn cảnh phú bẩm (là những thuận duyên giúp chúng ta tu tập), chúng ta sẽ thấu hiểu rằng thân người hiếm quý chính là phương tiện thiện xảo để giúp ta phát khởi được tâm Bồ Đề nơi nào chưa tâm ấy chưa phát khởi.

Đức Phật đã tuyên thuyết rằng, trong dòng tâm thức của mỗi một chúng sinh đều có một vị Phật. Nhưng hiện nay trong tâm của chúng sinh, mọi thứ đều ô nhiễm. Lý do là bởi vì chúng ta chấp ngã, nghĩ rằng chúng ta có một cái “ta” và chúng ta bám chấp vào cái “ta” này. Chúng ta bám chấp vào sự hiện hữu của cái “ta”, chúng ta phát khởi lòng tham luyến đối với cái “ta” và chúng ta phát sinh lòng đố kị đối với những người khác. Tâm của chúng ta giống như là nước đã bị khuấy đục. Từ nước vẩn đục này, chúng ta giúp cho đủ mọi loại tâm ô nhiễm phát sinh. Các tâm ô nhiễm này thực sự đến từ tham, sân, si. Và vô minh lại là nguyên tố nặng nề nhất, tệ hại nhất. Tại sao lại là vô minh. Vô minh là bởi vì chúng ta không nhìn ra được rằng, thực sự, không có một cái ngã, không có một cái tôi. Rồi bắt nguồn từ sự vô minh và thiếu tỉnh giác này mà luân hồi đã sinh khởi và tiếp tục hiện hữu. Khi sống trong luân hồi, trong cõi ta bà, như đã có cắt nghĩa trong câu kệ thứ ba và thứ tư, chúng ta phải trải nghiệm đủ loại quan hệ giữa bạn và thù. Chúng ta sanh lòng luyến ái gia đình và bạn bè. Chúng ta không ưa thích hoặc oán ghét kẻ thù. Thật sự, đâu có gì chắc chắn để chúng ta biết được ai là bạn, ai là thù? Những người xuất hiện trong đời này như là người thân trong gia đình chúng ta cũng có thể là những oan gia đến từ đời trước. Thật chẳng có gì bảo đảm được điều này. Hoặc giả trong đời trước, chúng ta đã không đền đáp công ơn dưỡng dục và lòng tử tế của cha mẹ, cho nên trong kiếp này, họ đã trở lại và xuất hiện như là kẻ thù của chúng ta. Thật rất khó lường để có thể quả quyết được ai là bạn và ai là thù. 

Trên thực tế, trong vô lượng kiếp đã qua, tất cả chúng sinh đều đã từng là cha mẹ của chúng ta. Và nhất là những kẻ thù của ta trong kiếp này, những kẻ ghét ta hay những người mà ta oán ghét, chắc chắn rằng họ đã từng rất tử tế với ta trong những đời quá khứ. Chắc chắn rằng họ đã từng yêu thương ta rất nhiều trong tiền kiếp xa xưa, và đổi lại, ta đã đối xử vô cùng tệ mạt với họ [trong kiếp đó] và ta đã không hoàn trả lại lòng tử tế của họ bằng sự tử tế của ta. Và cũng bởi vì như vậy mà họ trở nên sân hận, và giờ đây [trong kiếp này], họ xuất hiện như là kẻ thù của ta, là những người hết sức oán ghét ta. Điều này thực sự chúng ta chẳng thể nào biết được. 

Trong Ba Mươi Bảy Pháp Hành Bồ Tát Đạo có dạy, khi chúng ta hiểu được ra rằng tất cả mọi chúng sinh đã từng là cha mẹ của mình trong đời này hay những đời trước, thì thật sự đâu có lý do gì để ta lại sanh lòng luyến ái một người nào đó quá mực, hoặc sanh tâm ghét bỏ một người nào khác quá mực. Chẳng có ai để ta phải sanh tâm ô nhiễm cả [vì chúng sinh nào cũng đã từng là cha mẹ và đều tử tế với ta.

Tiếp theo, nếu chúng ta hiểu được về cái chết và hiểu được rằng bản chất của cuộc đời là vô thường thì chúng ta sẽ không bám chấp vào cuộc đời này nữa. Còn nếu chúng ta tham luyến, bám chấp vào cuộc đời này thì tất cả những hành nghiệp của chúng ta đều sẽ phải nằm dưới sự sai sử của tham, sân, si. Trên thực tế, cuộc đời này không kéo dài vĩnh viễn. Cuộc đời này thực sự chỉ giống như là giấc mơ của một đêm đã qua. Tối hôm qua, có thể chúng ta đã nằm mơ, nhưng ngày hôm nay khi mà chúng ta thức dậy, giấc mơ không còn hiện hữu nữa. Cuộc đời này của chúng ta cũng y hệt như thế. Mai sau, khi chúng ta chết đi, chẳng có gì của cuộc đời này sẽ còn tồn tại, và chúng ta buộc phải thức dậy, phải ra khỏi giấc mộng. Cuộc đời vừa trôi qua ấy sẽ chỉ giống như là hồi ức của giấc mộng mà thôi.

Sau khi chúng ta chết, chúng ta sẽ đem theo với mình những hành nghiệp mà chúng ta đã tích lũy, cũng như đem theo những nghiệp báo đã được tạo ra bởi những cảm xúc ô nhiễm trong ta. Chúng ta không có sự chọn lựa sẽ đi về đâu. Nghiệp lực sẽ lôi kéo ta và ta hoàn toàn không có được sự lựa chọn! Và như thế cho nên, nếu những tâm ô nhiễm như sân hận hay tham ái nổi lên một cách hết sức mạnh mẽ, thì đây sẽ là những nguyên nhân đẩy chúng ta rơi xuống những cõi thấp như súc sinh, địa ngục hay ngạ quỹ. 

Cuộc đời này như là một giấc mơ, giấc mơ của một đêm đã qua. Đó chính là bản chất đích thực của cuộc đời này, đó là [vô thường]. Do đó, chúng ta cần phải ghi nhớ rõ điều này và phải biết hướng đến việc chuẩn bị cho kiếp kế tới bằng cách tịnh hoá tâm của mình trước nhất. Bởi vì khi chúng ta ra đi khỏi cuộc đời này, thân xác này của chúng ta sẽ ra đi nhưng tâm của chúng ta sẽ không mất đi, tâm của chúng ta sẽ không bao giờ chết, tâm của chúng ta sẽ tiếp tục tồn tại. Và điều quan trọng là làm sao chúng ta có thể tịnh hóa được cái tâm đang và sẽ tiếp tục tồn tại đó!

Để thanh lọc được tâm, chúng cần phải nương tựa vào Đạo Sư của chúng ta, là người đã khai thị cho chúng ta, giúp cho chúng ta hiểu được về sự vận hành của nhân quả. Bởi vì thế mà Đạo Sư của chúng ta thật vô cùng kỳ diệu và vô cùng đặc biệt. Ngài đã chỉ ra cho chúng ta con đường tu để có thể thành tựu giác ngộ.

Trong Ba Mươi Bảy Pháp Hành Bồ Tát Đạo cũng có nói rằng, ta cần phải lánh xa những ác tri thức (bạn xấu), và phải dùng óc phán xét để biết được là qua [sự liên hệ với] những người bạn này, những xúc cảm ô nhiễm của ta có phát sinh hay không. Ví dụ như, khi chúng ta có những bằng hữu mà qua [sự liên hệ với những người này], ta phát khởi được tình yêu thương, sự tử tế và lòng từ bi, thì đấy chính là những người bạn lành của ta, là những thiện tri thức. Đây cũng ám chỉ đến những vị đạo sư tâm linh, đến những bậc thầy của chúng ta. Khi chúng ta tu học với các vị đạo sư tâm linh, nếu chúng ta phát khởi được tâm Bồ Đề, thì đây chính là những người bạn lành, những thiện tri thức chân chính đích thực, là những người mà chúng ta cần nương tựa vào. Nhưng ví dụ ngay cả nếu chúng ta có những vị thầy tâm linh [mà qua việc học hỏi với các vị ấy], chúng ta lại trở nên tham đắm hơn, oán ghét hơn và tâm ta lại tràn đầy các xúc cảm ô nhiễm, tiêu cực, v.v. thì phải hiểu rằng đây không thể là những người bạn lành, những thiện tri thức chân chính. Nếu thầy của chúng ta dạy cho chúng ta những giáo pháp dựa trên các biên kiến cực đoan, dựa trên sự ghét bỏ thì [giáo pháp ấy và vị thầy ấy] không phải là chân chính.

Một vị minh sư phải là một người giúp cho chúng ta trưởng dưỡng được những đức tánh tốt lành trong dòng tâm thức của ta. Và vị minh sư ấy phải là người hiểu được về cách vận hành của luật nhân quả. Ví dụ như bây giờ, nếu có một người bạn nào đó, anh ta ta ban cho chúng ta cả trăm ngàn đô la chẳng hạn, chúng ta sẽ rất thích người bạn đó bởi vì anh ta cho chúng ta rất nhiều tiền để tiêu xài! Nhưng một ngày kia, số tiền ấy cũng phải cạn kiệt, sẽ bay đi mất hết. Nhưng còn đối với một bậc đạo sư tâm linh thì [chúng ta không nhận tiền của từ ngài], thật ra là chúng ta còn nhận nhiều, nhiều hơn như thế nữa . Ngài đã ban cho chúng ta đôi mắt. Ngài đã chỉ cho chúng ta con đường tu và [giúp chúng ta hiểu về] sự vận hành của nhân quả mà chúng ta mang theo mình từ kiếp này qua kiếp nọ. Và nhờ có cặp mắt mở to đó mà trải qua nhiều kiếp, chúng ta sẽ không phải chịu quả báo đau khổ, sẽ không phải bị đoạ vào những cõi thấp, sẽ được sinh vào các cõi cao hơn, và đến một ngày kia, sẽ đạt được giác ngộ. Và cũng bởi vì thế mà các vị thiện tri thức và những bậc đạo sư còn trân quý hơn bất cứ điều gì khác mà chúng ta có được trong cuộc đời này! 

Ngoài ra, tự lúc khởi đầu, chúng ta còn phải biết trân quý và biết ơn lòng từ và sự tử tế mà chúng ta đã nhận được từ cha mẹ chúng ta nữa bởi vì chính cha mẹ chúng ta đã cho chúng ta thân người hiếm quý này. Thứ đến, chúng ta phải biết trân quý và biết ơn lòng từ của các vị thầy cô [trong thế gian này], là những người đã hướng dẫn chúng ta và dạy dỗ chúng ta về mọi mặt, về tất cả những gì chúng ta cần phải hiểu biết về cuộc đời này. 
Nhưng đặc biệt hơn, chúng ta cần phải nhớ nghĩ đến tấm lòng từ của những bậc Đạo Sư đã dạy cho chúng ta về nhân quả, và hơn thế nữa, đến tấm lòng từ của những bậc Đạo Sư đã dạy cho chúng ta phương cách để phát khởi và trưởng dưỡng Bồ Đề tâm.

Sau đó, chúng ta cần phải thọ quy y, phải nương tựa vào những đối tượng quy y để có thể tu hành trên con đường chánh pháp cực kỳ quý giá. Khi đi tìm đối tượng để quy y, chúng ta phải tìm nương tựa nơi những đối tượng chân chính, đấy chính là Tam Bảo, gồm có Phật bảo, Pháp bảo và Tăng bảo. Như trong Ba Mươi Bảy Pháp Hành Bồ Tát Đạo có dạy, chúng ta không thể nương tựa vào bất kỳ ai đang còn bị trói buộc trong vòng luân hồi. Điều này có nghĩa là bất kỳ ai chưa trưởng dưỡng được Bồ Đề tâm rốt ráo, bất kỳ ai vẫn còn tâm chấp ngã, bất kỳ ai chưa giải thoát được khỏi vòng tròn sinh tử. Nếu vị ấy chưa [tự mình] giải thoát được khỏi luân hồi thì sẽ không thể nào giúp được cho người khác. Cũng có thể thân của những vị này không còn bị kẹt trong cõi người nhưng tâm của những vị ấy vẫn chưa được hoàn toàn giải thoát. Đó có thể là những vị Trời, hay là những vị thần linh. Khi chúng ta nói đến những vị Trời hay chư Thiên thì có các vị Trời phàm tục, khác với chư Thiên trí tuệ. Và những vị Trời là những vị vẫn còn tâm chấp ngã, [vẫn còn bị chi phối bởi sinh tử luân hồi]. Bởi vì thế, họ chẳng thể nào giúp được chúng sinh một cách rốt ráo.

Trong khi đó, Phật, Pháp và Tăng đều phát xuất từ tuệ giác, và bởi thế, Tam Bảo [là nguồn nương tựa] đáng tin cậy nhất, [có khả năng giúp ta] hoàn toàn thoát khỏi luân hồi sinh tử. Và bởi thế mà Tam Bảo là nguồn [gia trì] chân chính nhất. Chúng ta gọi Phật, Pháp, Tăng là Tam Bảo “ngoại tại,” tức là quy y bên ngoài [nương tựa vào những đối tượng bên ngoài]. Đức Phật bên ngoài chính là chư Phật của ba thời. Có thể có hằng triệu triệu ức muôn chư Phật trong suốt ba thời. Nhưng tâm của các vị ấy chỉ thuần là một. Và đó chính là sự kết hợp giữa tánh không và từ bi.

Chúng ta cũng có được tiềm năng này trong ta. Đây chính là Phật tánh, Phật tâm mà chúng ta sở hữu trong dòng tâm thức của chính mình. Là trí tuệ phân biệt, biết đâu là việc [tốt] nên làm, đâu là việc [xấu] không nên làm. Đấy chính là Phật đấy! Còn Pháp? Pháp bao gồm 84 ngàn giáo lý mà Đức Phật đã tuyên thuyết, nhưng tóm gọn, Đức Phật đã chỉ nói, hãy thực hành các thiện hạnh, lìa bỏ các ác hạnh, và hoàn toàn điều phục tâm. Đấy chính là Pháp đấy! Các giáo lý mà Đức Phật đã giảng dạy để giúp chúng ta tịnh hoá và điều phục tâm không là gì khác hơn ngoài tình yêu thương và tâm từ bi vô ngã. Còn ngoài ra, tất cả mọi thứ khác sẽ chỉ là nguồn gốc, là nguyên nhân dẫn đến luân hồi. Ví dụ như, nếu chúng ta có tình yêu thương dành cho con cái của chúng ta chẳng hạn, ngay khi có chút cái ‘tôi’ xuất hiện ở trong đó, thì chính đó đã là một nguyên nhân dẫn đến luân hồi rồi. Khi chúng ta nghĩ rằng, đây là con trai tôi, đây là con gái tôi… Ngay khi có một cái ‘tôi’ hiện ra thật mạnh mẽ, thì tự khắc, đấy là nguyên nhân dẫn đến luân hồi. Còn giả sử như chúng ta cảm nhận được tình yêu thương lan toả đến cho hết thảy chúng hữu tình, thì đây chính là nguồn gốc của Bồ Đề tâm, đây chính là Giáo Pháp. 

Trong Phật Giáo, có ba thừa hay ba con đường tu tập dựa trên ba căn cơ khác nhau. Và bất kỳ ai đã bước vào trên con đường tu, [cho dù là thừa nào đi nữa], nghĩa là bất kỳ ai đã thọ giới nguyện quy y thì ta cũng có thể gọi người ấy là Tăng bảo. Tại sao chúng ta lại xem đấy là một điều quý báu (bảo)? Tại sao lại là Tăng bảo? Bởi vì đã là Tăng bảo thì ta phải nghĩ rằng, tôi không chỉ nghĩ đến bản thân mình như những chúng sinh tầm thường khác, mà bởi vì tôi là Tăng bảo nên tôi quan tâm và nghĩ đến người khác, đến các chúng sinh khác. Điều này cũng có nghĩa là khi các chúng sinh khác hãm hại tôi thì cho dù là thế nào đi chăng nữa, tôi sẽ hành trì hạnh nhẫn nhục, tôi có thể trả lại [tâm ác của họ] bằng tình yêu thương trong tôi. Đấy chính là ý nghĩa đích thực của Tăng bảo. Và đấy chính là Tam bảo “ngoại tại,” là ba viên ngọc quý ở bên ngoài.

Rồi sau khi đã quy y Tam bảo thì chúng ta cần phải hiểu rõ rằng chính bản thân ta là Tam bảo. Tam bảo đích thật là Tam bảo ngự trong bản tâm ta. Chánh niệm và tỉnh giác của ta chính là Phật. Chánh niệm và tỉnh giác là Đức Phật “nội tại,” Đức Phật ở bên trong. Nếu ta phát triển được tình yêu thương và tâm từ bi [vô ngã] thì đấy chính là Pháp nội tại, Pháp ở bên trong bản tâm ta. Và nếu ta có được đầy đủ chánh niệm, tỉnh giác và từ bi, thì tất nhiên, ta trở thành Tăng bảo! Ta có đầy đủ Phật, Pháp, Tăng ở trong ta !

http://www.daobingan.com/news/?type=news&gid=20&nid=29

28/1/13

Thiếu gia xứ Thanh tình nguyện giúp người nghèo


Từ một thanh niên nổi tiếng ăn chơi nhất vùng, Hoàng Hiệp bỏ đại học về quê viết đơn xin tòng quân rồi thành lập CLB tình nguyện cùng các bạn trẻ xứ Thanh tìm cách kinh doanh lấy tiền giúp người nghèo.


Dáng cao gầy, khuôn mặt xương xương với làn da ngăm đen, Hoàng Hiệp (phường Lam Sơn, TP Thanh Hóa) có vẻ già dặn hơn so với tuổi 24. Hiện ngoài công việc kinh doanh cùng gia đình, Hiệp còn mở cửa hàng buôn bán riêng để lấy tiền ủng hộ người nghèo và là thủ lĩnh của CLB tình nguyện xứ Thanh.


Cười hóm hỉnh, Hiệp tâm sự, ý tưởng thành lập CLB tình nguyện xuất phát từ trải nghiệm của bản thân. Thời còn là học sinh cấp ba, cậu có tiếng là tay chơi trong vùng, tiêu tiền không tiếc tay. Dù chưa làm ra tiền nhưng có ngày cậu vung tiền triệu, đơn giản vì “nhà có điều kiện, có tiền tội gì không ăn chơi”.


Dù ham chơi nhưng Hiệp học hành “cũng khá”. Năm 2007, sau khi tốt nghiệp THPT, Hoàng Hiệp thi đỗ vào trường đại học có tiếng ở Hà Nội. Sau hơn một năm theo học, thiếu gia xứ Thanh trượt dài trên con đường ăn chơi. Nghiện lô đề, bóng đá, cầm cố tài sản… đủ cả. Hiệp chơi bời đến độ có lúc cha cậu nóng giận định ra ủy ban phường làm thủ tục xóa tên con trai khỏi sổ hộ khẩu.





Đều đặn mỗi cuối tuần, CLB tình nguyện xứ Thanh lại ra quân “dẹp nạn khoan cắt bê tông” và làm sạch đường phố. Ảnh: Lê Hoàng. 



Ngã rẽ cuộc đời bắt đầu khi Hiệp bỏ học về quê xin đi bộ đội. “Một lần về quê, nhìn thấy người cha gầy rộc, cả đêm không ngủ mà cứ ngồi rít thuốc hết bao này đến bao khác khiến mình day dứt rồi tu tỉnh”, Hiệp kể và cho biết ngày viết đơn xin nhập ngũ, cả gia đình phản đối kịch liệt vì cậu là con trai nối dõi tông đường.


Thuyết phục mãi rồi mọi người cũng đồng ý cho Hiệp tòng quân. Những ngày đầu đi lính, không quen thức khuya dậy sớm hay làm việc nặng khiến cậu gầy xọp. Nhiều công việc chưa bao giờ xuất hiện trong ý nghĩ Hiệp chứ đừng nói đụng tay chân, như: đi xúc phân trâu về làm ruộng, chăn lợn, nuôi bò, đỡ đẻ cho bò… Cũng có đợt phải hành quân cả 300 km đường rừng khiến đôi chân cậu mỏi rời, phồng rộp, nhưng “quyết tâm đã đi thì không quay đầu về”.


Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, Hiệp là người duy nhất của đơn vị vinh dự được kết nạp Đảng. Hết hai năm nghĩa vụ, được đơn vị cho đi học thêm, nhưng cậu xin giải ngũ về quê làm kinh doanh cùng gia đình.


Năm 2009 với mong muốn tham gia công tác tình nguyện, Hiệp làm đơn gửi các CLB tình nguyện, nhưng mãi không thấy hồi âm. Cuối năm 2010, sau khi lên mạng tìm hiểu hoạt động của các CLB tình nguyện, Hiệp cùng em gái và một người bạn lập ra CLB tình nguyện riêng với tên gọi CLB tình nguyện xứ Thanh.


Sau ngày thành lập, các thành viên phân công lên Facebook, đến các cổng trường phát tờ rơi kêu gọi mọi người tham gia. Ban đầu CLB chỉ có 10 người là bạn thân, anh em. Dần dần hàng trăm bạn, chủ yếu là học sinh cấp 2, cấp 3 nộp đơn xin gia nhập. Lý giải nguyên nhân hướng đến học sinh phổ thông, Hiệp nói: “Mình sinh ra lớn lên ở thành phố, cuộc sống sung túc nên không hiểu giá trị của lao động, của đồng tiền. Hơn nữa, thời học sinh từng vấp ngã nên mình hiểu ở lứa tuổi này, nhiều em còn có suy nghĩ lệch lạc”.


“Kim chỉ nam” của CLB là tạo ra môi trường lành mạnh để các em được tham gia hoạt động ngoại khóa, giao lưu và đặc biệt là làm từ thiện. CLB đề ra phương châm “mỗi thành viên là một cảnh sát giao thông”, yêu cầu khi tham gia giao thông nếu không đội mũ bảo hiểm mà bị tố giác hoặc ghi hình quả tang sẽ phạt tiền sung quỹ CLB. Vì thế, hiện 100% thành viên đều chấp hành luật giao thông.


Mỗi dịp cuối tuần, CLB thường tổ chức sinh hoạt theo chủ đề, hoặc đi dã ngoại, trò chơi tập thể, lên chùa dọn vệ sinh hay dọn dẹp phố phường, dỡ bỏ quảng cáo rác… Để thể hiện quyết tâm làm tình nguyện đến cùng, Hiệp đã xin gia đình cho “sung công” một căn nhà ba tầng trên phố lớn ở trung tâm thành phố để làm nơi họp nhóm.


Hơn 2 năm kể từ khi thành lập, CLB tình nguyện xứ Thanh đã có nhiều hoạt động ý nghĩa. Tổng số tiền và hàng hóa quy đổi đã lên đến hơn 500 triệu đồng. Điển hình như năm 2010, CLB đã quyên góp được 10 tấn quần áo, hàng trăm thùng mì tôm, nước khoáng cùng lượng lớn tiền mặt để trao tận tay người dân vùng lũ ở huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh. Mùa mưa 2012, CLB đã quyên góp được hàng tấn gạo để giúp đỡ người dân vùng lũ bị vỡ đê tại hai xã Quảng Phú, huyện Thọ Xuân và xã Yên Giang, huyện Yên Định, Thanh Hóa.


Ngoài ra, CLB còn tổ chức nhiều chương trình ý nghĩa như “Trái tim sưởi ấm trái tim” nhằm ủng hộ trẻ em nghèo thất học vùng xa; chương trình “Vì biển đảo quê hương” kêu gọi ủng hộ các chiến sĩ đang ngày đêm canh gác ngoài hải đảo.


Với triết lý “lấy ngắn nuôi dài, làm từ thiện phải có chiều sâu, độ bền”, CLB phải có kinh phí chứ không thể đi xin tài trợ, Hoàng Hiệp đã nghĩ ra đủ cách kinh doanh, như: bán ốc, bán hoa, bán thiệp, bán nước mía vỉa hè… Gia đình vốn có truyền thống kinh doanh nên Hiệp nắm bắt thị trường khá nhanh. Mùa hè 2011, riêng việc bán nước mía ở sân vận động nhóm đã thu được hơn 30 triệu đồng. Hay như có lần Hiệp nảy ra ý định khá đơn giản là xin chữ ký các cầu thủ ở đội bóng Thanh Hóa sau đó đem bán đấu giá. Kết quả trái bóng trị giá vài trăm nghìn bán được 23 triệu đồng.





Hoàng Hiệp cùng các bạn trao quà cho đồng bào vùng bão lụt. 



Hoàng Hiệp đang ngày càng mở rộng CLB cả về số lượng tình nguyện viên và số lần quyên góp, ủng hộ để thực hiện mong muốn mang niềm vui, nụ cười đến với những mảnh đời bất hạnh. Hiện CLB đã có hơn 100 tình nguyện viên tham gia chính thức, hoạt động ở nhiều tỉnh thành.


Hiệp kể, hoạt động của CLB không phải lúc nào cũng xuôi chèo mát mái. Có lần thấy con gái nằng nặc đòi tham gia CLB bằng được, nếu không sẽ bỏ học, một phụ huynh đã tìm đến tận nhà “năn nỉ”, thậm chí nhờ người quen tác động để Hiệp “buông tha” con gái họ vì cứ tưởng đang bị nhóm “dụ dỗ chơi bời”. Nhưng khi nghe giải thích và thấy con gái tiến bộ, chăm ngoan, học giỏi hơn trước, phụ huynh này mới yên tâm. Về sau, chính vị phụ huynh này đã tham gia rất tích cực nhiều hoạt động từ thiện của CLB.


Bạn Lê Văn Chí (19 tuổi, xã Đông Hương, TP Thanh Hóa), một thành viên CLB cho biết, thông qua bạn bè, cậu đã gắn bó với CLB gần ba năm qua. “CLB có nhiều hoạt động ý nghĩa, nhiều chương trình thiết thực, có ích cho cộng đồng. Từ khi tham gia, em đã thay đổi rất nhiều, không chỉ rèn luyện được tính tự lập, tinh thần đoàn kết, tự tin đứng trước đám đông… mà đặc biệt qua những lần đi làm tình nguyện, được tận mắt chứng kiến những mảnh đời màn trời chiếu đất khiến mình cảm thấy bản thân còn may mắn hơn nhiều. Từ đó giúp mình trân trọng những gì đang có hơn, nỗ lực hơn trong cuộc sống”, Chí tâm sự.


Chia sẻ về kinh nghiệm lãnh đạo nhóm, Hoàng Hiệp cho biết, thành viên CLB chủ yếu là học sinh, do đó yêu cầu người đứng đầu phải tập thói quen “luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu”, không đao búa mà ngược lại phải biết chia sẻ. Khi có công việc, người thủ lĩnh không đứng chỉ tay năm ngón, trái lại phải gánh vác những phần việc nặng nhất, khó nhất để làm gương cho các em.


Chính từ suy nghĩ đó mà chỉ sau gần 3 năm hoạt động, CLB tình nguyện xứ Thanh đã kêu gọi được rất nhiều bạn trẻ tham gia, đồng thời được đánh giá rất cao. CLB từng được Tổ chức Cộng đồng Anh và Tổ chức Phát triển Hà Lan đánh giá là một trong 100 CLB doanh nghiệp, tổ chức xã hội hoạt động hiệu quả nhất Việt Nam năm 2011. Năm 2012, CLB được Tỉnh đoàn Thanh Hóa công nhận là một trong mười tổ chức xuất sắc về hoạt động tình nguyện. Hoàng Hiệp được tuyên dương là một trong 10 cá nhân tiêu biểu…


Không chỉ là thủ lĩnh nhóm tình nguyện xứ Thanh, hiện nay Hiệp còn đảm trách nhiệm vụ Phó bí thư đoàn phường, Chủ tịch Hội đồng đội phường… “Mỗi con người đều có những lúc vấp ngã, thậm chí sai lầm. Có điều tự bản thân phải biết đứng dậy và bước đi trên đôi chân của chính mình”, chàng trai triết lý.


Nói về dự định tương lai, Hiệp cho biết tạm gác chuyện hôn nhân để tập trung cho công tác tình nguyện, phấn đấu để CLB trở thành mái nhà chung cho nhiều bạn trẻ xứ Thanh. CLB sẽ tích cực chia sẻ với những số phận bất hạnh, bởi “còn quá nhiều những số phận kém may mắn hơn mình đang hàng ngày vật lộn với cuộc sống cơ cực, nhất là trẻ em vùng biên giới…”.


Đánh giá về hoạt động của CLB tình nguyện xứ Thanh, bà Lại Thị Thanh Thủy, Trưởng ban Đoàn kết tập hợp thanh niên, Tỉnh đoàn Thanh Hóa cho biết, CLB này là một trong những nhóm từ thiện khá mạnh ở Thanh Hóa những năm gần đây. Hàng năm, CLB thường xuyên phối hợp với Tỉnh đoàn, Hội liên hiệp thanh niên tỉnh và các cấp đoàn cơ sở... tổ chức nhiều chương trình tình nguyện thiết thực như: tặng áo ấm, sách vở cho trẻ em nghèo vùng cao, mua lương thực, thuốc men, nhu yếu phẩm chia khó với đồng bào trong vùng bão lụt, làm vệ sinh môi trường...


"Những hoạt động của CLB tình nguyện xứ Thanh là rất thiết thực, tạo được nhiều tiếng vang tốt cho các bạn trẻ tham gia công tác Đoàn, đồng thời được nhân dân đánh giá rất cao", bà Thủy nhấn mạnh và cho biết để có được thành công đó, công lao của thủ lĩnh Hoàng Hiệp là rất lớn.


Lê Hoàng